Nhà văn Anh Roy Levis đã viết một cách hài hước trong cuốn truyện: Tôi đã ăn bố như thế nào? về sự ra đời của nghệ thuật, đặc biệt là hội họa. Một cậu bé trong bộ lạc đã vẽ lên tường hang dáng hình của những con thú. Mọi người sợ hãi và la hét vì họ sợ cậu đã nhốt linh hồn của những con thú vào các hình vẽ. Cậu bé bị bộ lạc xa lánh mãi đến khi những người trong bộ lạc hiểu được những bức tranh của cậu chỉ không làm hại đến ai. Cậu bé trở thành người đầu tiên đơn độc trong lịch sử bởi cậu đã không được người khác hiểu. Và không biết vô tình hay hữu ý, cậu là một nghệ sỹ.

Có biết bao câu nói về việc nghệ sỹ cần sự cô độc để sáng tác, có biết bao lời chỉ trích nghệ sỹ là kẻ ích kỷ không nghĩ đến người khác nhưng đồng thời cũng có biết bao lời ca tụng, mỹ từ dành cho các nghệ sỹ, những lời tôn vinh xuyên thời gian. Hai thái độ trái ngược, coi thường, chỉ trích và ca tụng, tôn vinh tồn tại xuyên thời gian và không gian. Nhưng chúng gặp nhau ở một chữ : hiểu. Khi công chúng hiểu tác phẩm thì nghệ thuật được tôn vinh hoặc chí ít là đánh giá ‘‘đúng’’ giá trị và nếu không hiểu thường là thái độ quay lưng lại. Thế nhưng cái sự hiểu một tác phẩm nghệ thuật lại không đi theo đường tuyến tính hay đơn giản như một cộng một bằng hai. Bởi nghệ thuật thường không được giải thích mà dựa trên sự cảm nhận, sự cảm nhận lại thay đổi theo đối tượng tiếp nhận, thậm chí với cùng 1 chủ thể, cái sự hiểu lại thay đổi theo không gian, thời gian, thời điểm và thậm chí là thời đại. Sự hiểu càng trở nên phức tạp khi ngày nay, khái niệm nghệ thuật không còn đóng khung trong sáu hay bảy loại hình nghệ thuật cơ bản nữa. Việc vách ngăn giữa các bộ môn nghệ thuật truyền thống đã bị nhấc bỏ và khái niệm cái Đẹp một chiều không còn đúng nữa đòi hỏi người xem phải có những kiến thức nhất định và một sự cởi mở trong tư duy tiếp nhận.

Trong tác phẩm Nghệ thuật là gì? Văn hào Lev Tolstoi đã định nghĩa nghệ thuật là một hoạt động cho phép người ta (nghệ sỹ) tác động một cách có ý thức tới người khác bằng cách sử dụng một số hình thức biểu đạt để làm cho người khác cảm nhận được hoặc làm sống lại các cảm xúc mà người đó (nghệ sỹ) đã trải qua. Theo ông, nghệ thuật là một trong những hình thức giao tiếp giữa con người với con người. Như vậy, đã nói đến giao tiếp tức là có người phát ra thông điệp và người nhận thông điệp. Cuộc giao tiếp/đối thoại chỉ có thể diễn ra khi hai người cùng muốn đối thoại. Trên thực tế, có khi nghệ sỹ không ‘‘thèm’’ giải thích và cho rằng tác phẩm của mình đã nói lên tất cả và không cần làm bất cứ động tác nào để mở cánh cửa hẹp bước vào tác phẩm của mình; có khi người xem bằng định kiến của mình (hoặc là trình độ quá cao, hoặc là không quan tâm) lập tức cho tác phẩm đó không có ý nghĩa gì với mình. Trong trường hợp này, điều dễ hiểu là cuộc giao tiếp không xảy ra và tác phẩm bị hiểu nhầm từ đó sinh ra các suy nghĩ không chuẩn xác cả về nghệ sỹ. Cũng có khi, cách thể hiện của nghệ sỹ lại đi quá nhanh và xa so với mỹ cảm của đông đảo công chúng vốn quen với cái Đẹp truyền thống. Ví dụ như trường hợp triển lãm của họa sỹ Lê Quảng Hà bị đóng cửa năm 2004 tại Trung tâm Văn hóa Pháp vì bị cho là không có lợi cho đông đảo công chúng vốn chưa quen với những thể nghiệm của cái Đẹp nhiều chiều; sự tiếp nhận của công chúng với các buổi trình diễn của Đào Anh Khánh lại có phần ‘‘may mắn’’ hơn. Từ những buổi performance nho nhỏ với đối tượng chủ yếu là ‘‘dân nghệ’’. Các buổi trình diễn của Đào Anh Khánh những năm gần đây lại trở thành một sự kiện nghệ thuật lớn thu hút hàng ngàn người tham gia. Người bảo Khánh thành công, kẻ bảo nghệ thuật như vậy là ‘‘mất chất’’ vì nghệ thuật đương đại chỉ dành cho thiểu số. Tạm gác lại những tranh luận không hồi kết về thế nào là nghệ thuật đương đại, không thể phủ nhận được rằng, các trình diễn của Đào Anh Khánh đã thu hút được sự chú ý của người dân tới nghệ thuật đương đại và bước đầu đưa khái niệm cái Đẹp nhiều chiều vào tâm thức của xã hội, mở đường cho những đón nhận cởi mở hơn cho ngôn ngữ nghệ thuật mới này. Không phải ngẫu nhiên mà các hoạt động nghệ thuật đương đại trong thời gian gần đây thu hút được nhiều người xem hơn và dù nghệ sỹ có khỏa thân trình diễn (một chuyện dễ gây sốc ở Việt Nam) đi nữa cũng không ai coi đó như một xì-căng-đan để các báo lá cải khai thác mà báo chí và người xem chỉ tập trung vào việc tại sao nghệ sỹ làm như vậy, làm như vậy để làm gì, có tác dụng gì không. Như vậy có thể thấy người xem sẽ đón nhận tích cực khi họ hiểu và cánh cửa bước vào tác phẩm phải được nghệ sỹ hé mở. Vậy chìa khóa mở cánh cửa nghệ thuật là gì? Cần phải khẳng định có nhiều hơn một chìa khóa để mở cánh cửa đó nhưng chiếc chìa khóa ‘‘gốc’’ vẫn là sự tự đào tạo.

Một họa sỹ danh tiếng đã nói: để nói được tiếng nước ngoài người ta phải học, để thưởng thức nghệ thuật cũng phải làm như vậy. quả vậy, thực tế cuộc sống (hiện tại, quá khứ hoặc tương lai) qua bộ lọc của nghệ sỹ được ‘‘nói’’ ra bằng ngôn ngữ của nghệ thuật mà anh ta thấy phù hợp nhất: đó có thể là một bài ca, một bản nhạc, một bức vẽ, một bộ phim, một tác phẩm sắp đặt, một vở opéra, một tác phẩm land art (tác phẩm sắp đặt từ thiên nhiên), một màn múa hay một tác phẩm performance (trình diễn) làm từ chính tương tác của nghệ sỹ với môi trường hoặc con người xung quanh...Mỗi tác phẩm sử dụng một hoặc nhiều ngôn ngữ. Nếu người xem/nghe/đọc/người tham gia không có ‘‘học’’ ngôn ngữ ấy, thật khó có thể hiểu đúng và trọn vẹn về tác phẩm.

Có điều, chẳng ai lại bỏ công tới trường để học từng thứ ngôn ngữ ấy trong thời đại bây giờ. May mắn thay, kỷ nguyên kỹ thuật số đã có thể giúp người ta rút ngắn thời gian một cách đáng kể cũng như bỏ qua các rào cản không gian, địa lý. Tuy xem một vở opera trên mạng không thể hay bằng xem tại nhà hát opera nhưng người xem có thể nhìn và nghe nghệ sỹ biểu diễn để có một khái niệm về Opera để cảm nhận tốt hơn. Ngày nay, khán giả có thể tìm thấy thông tin về tác phẩm chỉ trong vòng vài phút và ung dung ‘‘nạp’’ thông tin trước khi tới nhà hát. Hàng loạt trang web về nghệ thuật xuất hiện sau một cú nhấp chuột. Thông tin về một loại hình nghệ thuật mới và một số ví dụ, tác phẩm, nghệ sỹ tiêu biểu không thiếu trên internet. Trong sự ‘‘sung túc’’ ấy, cái thiếu có lẽ chỉ là sự quan tâm đến tác giả, tác phẩm trước khi đến xem/thưởng thức tác phẩm nghệ thuật. Sẽ dễ dàng biết bao nếu như trước khi xem một triển lãm, bạn tạo cho mình thói quen tìm hiểu về tiểu sử nghệ sỹ và đọc lời giới thiệu triển lãm. Tháng nào cũng có ít nhất một triển lãm đáng xem tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Huế. Người ta không chỉ xem mà còn có dịp trao đổi trực tiếp với nghệ sỹ và đọc các bài phân tích trên các trang web chuyên về nghệ thuật. Trước khi xem một vở Opera, bạn dành thời gian tìm hiểu tác giả là ai, tác phẩm được sáng tác vào thời kì nào và đọc quyển chương trình trước khi nhà hát tắt đèn. Không có cái gọi là âm nhạc hay nghệ thuật bác học mà chỉ có cái nghệ thuật cần được tìm (thông tin) để có thể hiểu và cảm nhận được nó.

Nghệ sỹ không ở ngoài cuộc đời của chúng ta. Họ là những người đồng hành với chúng ta chỉ có điều họ đi chậm hơn những người đang đi giữa đường và vì thế họ có cơ hội nhìn thấy nhiều điều thú vị mà chúng ta bỏ qua hoặc không nhìn thấy và kể lại với chúng ta bằng tác phẩm của mình. Hãy đến với cuộc giao tiếp nghệ thuật bằng sự trân trọng với công việc của người nghệ sỹ. Bạn sẽ thấy, cánh cửa ấy không khép lại bao giờ.

Nguyễn Đình Thành

Bài trên Tạp chí Đẹp